Trang chủMặc địnhNguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Vấn Đề Chạy Quảng Cáo Facebook Không Cắn Tiền

Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Vấn Đề Chạy Quảng Cáo Facebook Không Cắn Tiền

Marketing Team
7:16 AM 12/17/2024

"Bạn đã bao giờ cảm thấy như đang ném tiền vào một cái giếng không đáy chưa?"

Bạn thiết lập chiến dịch quảng cáo, nạp ngân sách vào tài khoản với hy vọng thu về hàng loạt khách hàng tiềm năng, nhưng… kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Bạn không cô đơn! 

Có đến 90% nhà quảng cáo từng ít nhất một lần đối mặt với tình trạng quảng cáo Facebook không cắn tiền. Nghe thì tưởng hiếm gặp, nhưng thực tế, vấn đề này đang làm đau đầu hàng ngàn doanh nghiệp mỗi ngày.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá nguyên nhân và giải pháp để biến "cái giếng không đáy" thành một nguồn lợi nhuận thực sự. Sẵn sàng chưa? Hãy bắt đầu thôi!

1. Tình trạng chạy quảng cáo Facebook không cắn tiền là gì? 

Chạy quảng cáo không cắn tiền là tình trạng mà chiến dịch quảng cáo của bạn không tiêu tốn ngân sách sau khi đã được thiết lập và kích hoạt. Điều này thường xảy ra khi quảng cáo không đạt đủ tiêu chí để hiển thị trên nền tảng (trong trường hợp này là Facebook).

Hiểu đơn giản, giả sử bạn để ngân sách quảng cáo là 1 triệu đồng/ngày, sau một ngày tài khoản quảng cáo tiêu hết đúng số tiền đã đạt ra. Như vậy là chiến dịch quảng cáo đang hoạt động bình thường. 

Tuy nhiên, 3 trường hợp dưới đây chính là dấu hiệu cho thấy chiến dịch quảng cáo fb không cắn tiền:

  • Sau 24 giờ (1 ngày) từ khi bắt đầu chiến dịch: Đây là giai đoạn quảng cáo được phê duyệt (Approval) và bắt đầu phân phối. Nếu sau 24 giờ, quảng cáo vẫn không tiêu tốn ngân sách hoặc không có bất kỳ chỉ số nào tăng lên (Impressions, Reach, Clicks), đây có thể là dấu hiệu bất thường và cần kiểm tra ngay.

  • Sau 48 giờ (2 ngày) từ khi bắt đầu chiến dịch: Đây là giai đoạn để Facebook tối ưu hóa việc phân phối quảng cáo. Nếu quảng cáo đang hoạt động nhưng “không cắn tiền” hoặc chỉ tiêu hao rất ít, bạn nên đánh giá lại các yếu tố như: đối tượng mục tiêu, nội dung quảng cáo, hoặc giá thầu.

  • Sau 72 giờ (3 ngày) từ khi bắt đầu chiến dịch: Đây là ngưỡng thời gian tối đa mà bạn nên đợi trước khi xác định quảng cáo có vấn đề. Nếu sau 72 giờ mà không có bất kỳ thay đổi nào về hiệu suất (CPM, Impressions, Clicks), khả năng cao chiến dịch của bạn đang bị lỗi cấu hình, không đủ cạnh tranh, hoặc gặp vấn đề với nội dung/quy định.

Điều này không chỉ làm "đứng yên" chiến dịch quảng cáo của bạn mà còn làm lãng phí thời gian và giảm khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu, khiến bạn mất đi cơ hội tạo ấn tượng đầu tiên và thúc đẩy hành động mua hàng/tương tác từ khách hàng tiềm năng; từ đó gây gián đoạn các mục tiêu dài hạn, như xây dựng thương hiệu hoặc tăng doanh số bán hàng.

Nếu gặp 1 trong 3 tình trạng nêu trên, đó chính là lúc bạn cần xác định nguyên nhân và cách khắc phục “QUẢNG CÁO FACEBOOK KHÔNG CẮN TIỀN”.

Cảnh báo tài khoản Quảng cáo Facebook bị hạn chế

2. Tại sao quảng cáo Facebook không cắn tiền?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng tài khoản quảng cáo fb của bạn không cắn tiền. Cùng kiểm tra những lý do sau đây và cải thiện nó cho những chiến dịch sau:

2.1. Vấn đề liên quan đến tài khoản quảng cáo

  • Bị hạn chế: Khi tài khoản quảng cáo vi phạm các chính sách của Facebook hoặc bị đánh dấu là đáng ngờ, quảng cáo sẽ không được phân phối. Nguyên nhân có thể do hoạt động bất thường, đăng nhập từ nhiều địa chỉ IP khác nhau hoặc chạy quảng cáo vi phạm quy định.

  • Vi phạm chính sách của nền tảng quảng cáo: Nội dung hoặc sản phẩm quảng cáo không tuân thủ chính sách nền tảng, như sử dụng từ ngữ nhạy cảm, quảng bá sản phẩm bị cấm (rượu, thuốc lá,...). Điều này dẫn đến việc quảng cáo bị từ chối hoặc phân phối rất hạn chế.

  • Chưa xác minh đầy đủ thông tin: Các tài khoản chưa hoàn tất xác minh danh tính, phương thức thanh toán hoặc giấy phép kinh doanh thường bị hạn chế trong khả năng phân phối quảng cáo, đặc biệt là khi ngân sách lớn hoặc hoạt động bất thường.

  • Bị xét duyệt ngẫu nhiên: Thông thường, Facebook sẽ thực hiện xét duyệt ngẫu nhiên với các tài khoản quảng cáo. Khi đó, mọi chi tiêu trên tài khoản này sẽ bị ngưng. 

  • Không đủ độ uy tín (trust thấp): Những tài khoản quảng cáo Facebook không cắn tiền thông thường là những tài khoản cá nhân do nó thường có chi tiêu thấp, ít khi lên chiến dịch, ít tương tác hoặc được lập trong thời gian ngắn. 

  • Cài đặt lệch múi giờ với vị trí quảng cáo hiện tại: Thông thường, Facebook không cho phép thay đổi múi giờ sau khi tài khoản quảng cáo đã được thiết lập. Nếu cần thay đổi, bạn phải tạo một tài khoản quảng cáo mới, đồng nghĩa với việc mất dữ liệu lịch sử trên tài khoản cũ.

Ngay từ đầu hãy xác định múi giờ chạy ads phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp tài khoản đang chạy chiến dịch quảng cáo bạn chạy là via ngoại (có múi giờ lệch so với múi giờ Việt Nam), bạn cố gắng chờ chính xác thời gian quảng cáo có thể được xác thực nhé thay vì thay đổi thông tin múi giờ để tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ chạy hiện tại. 

Ví dụ: Nếu bạn đang chạy quảng cáo ở Việt Nam (thuộc múi giờ +7) nhưng tài khoản quảng cáo đang cài theo múi giờ Thái Bình Dương (-7). Như vậy, 2 múi giờ đang lệch nhau 14 giờ, đồng nghĩa với việc bạn cần đợi 14 giờ để quảng cáo được xét duyệt. Tình trạng quảng cáo đang hoạt động nhưng không cắn tiền cũng từ nguyên nhân này mà ra

Lý do Quảng cáo Facebook không cắn tiền

2.2. Đối tượng mục tiêu quá hẹp và chồng chéo nhau

  • Phạm vi đối tượng quá nhỏ hoặc không chính xác: Khi bạn nhắm đến một nhóm đối tượng quá hẹp như đặt độ tuổi cụ thể, xác định vị trí địa lý trong một khoảng nhỏ hoặc đặt đối tượng không phù hợp với sản phẩm đang quảng cáo khiến nó không đạt điều kiện để hiển thị. Điều này thường gặp khi các bộ lọc đối tượng bị đặt quá chi tiết và không có sự cân nhắc.

  • Không sử dụng Lookalike Audience (Đối tượng tương tự) hoặc không tối ưu hóa đối tượng: Không tận dụng công cụ Lookalike Audience hoặc đối tượng tuỳ chỉnh (Custom Audience) làm giảm khả năng tiếp cận những người có hành vi tương tự khách hàng tiềm năng. Việc thiếu dữ liệu tối ưu cũng khiến thuật toán không phân phối quảng cáo đến đúng đối tượng hiệu quả.

  • Trùng lặp nhóm đối tượng nhiều lần: Sở dĩ, chúng ta cần test nhiều quảng cáo (A/B testing) để tìm ra đâu là nội dung hiệu quả nhất. Tuy nhiên, khi bạn tạo nhiều nhóm quảng cáo khác nhau vào cùng một nhóm đối tượng như vậy, Facebook sẽ phân bố ngân sách cho quảng cáo đó. Ngân sách phân bố cho quá nhiều quảng cáo, dẫn đến mỗi nhóm có ngân sách quá thấp, vừa phân phối đã hết ngân sách.

2.3. Ngân sách và giá thầu không hợp lý

  • Ngân sách quá thấp hoặc giá thầu không cạnh tranh: Nếu ngân sách hàng ngày của bạn quá thấp hoặc giá thầu không đủ để cạnh tranh với các nhà quảng cáo khác trong cùng ngành, quảng cáo sẽ không được phân phối.

  • Phân bổ ngân sách sai lệch giữa các nhóm quảng cáo: Khi bạn đặt ngân sách lớn cho các nhóm quảng cáo không hiệu quả hoặc không ưu tiên vào các nhóm có tiềm năng cao, quảng cáo sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn và có thể dẫn đến việc không phân phối. Ví dụ: ngân sách quảng cáo chỉ 50k - 100k cho nhóm đối tượng mục tiêu 500 - 1 triệu người.

  • Giá thầu thấp không có sức cạnh tranh so với đối thủ: Bên cạnh việc đảm bảo tất cả các điều khoản/điều kiện về quảng cáo của Facebook, bạn cần đảm bảo giá cả so với các đối thủ. Đặc biệt khi quảng cáo cùng một lĩnh vực, cùng một sản phẩm, cùng hướng đến tệp khách hàng giống nhau, một bài viết được hiển thị nhanh đồng nghĩa với việc giá thầu không thể thấp hơn so với đối thủ.

2.4. Chất lượng nội dung quảng cáo kém

  • Nội dung không hấp dẫn hoặc không phù hợp với đối tượng mục tiêu: Quảng cáo có nội dung thiếu sáng tạo, không hấp dẫn, không mang lại giá trị rõ ràng cho khách hàng sẽ bị khách hàng báo xấu và dễ bị bỏ qua, làm giảm tỷ lệ phân phối. 

  • Hình ảnh/video vi phạm chính sách hoặc chất lượng thấp

+ Sử dụng hình ảnh hoặc video có chất lượng kém, mờ, hoặc chứa nội dung vi phạm quy định của nền tảng (hàng giả, hàng nhái từ thương hiệu nổi tiếng,...) sẽ khiến quảng cáo bị hạn chế phân phối hoặc không hiển thị.

+ Ngoài ra, Facebook chỉ ưu tiên hiển thị tốt nhất đối với bài viết bao gồm hình ảnh có tỷ lệ văn bản ở mức dưới 20%. Nếu vượt qua giới hạn này thì tùy vào từng cấp độ mà quảng cáo bị hạn chế hiển thị ít, hạn chế hiển thị nhiều và thậm chí là có thể quảng cáo Facebook không chạy nữa.

2.5. Trang đích (Landing Page bán hàng) không phù hợp

  • Nội dung trang đích và nội dung quảng cáo không đồng nhất: Khi khách hàng nhấp vào quảng cáo nhưng Landing Page không cung cấp nội dung liên quan, điều này không chỉ làm giảm tỷ lệ chuyển đổi mà còn khiến nền tảng đánh giá quảng cáo không phù hợp để phân phối.

  • Tốc độ tải trang chậm hoặc không thân thiện với thiết bị di động: Nền tảng quảng cáo ưu tiên trải nghiệm người dùng. Nếu trang đích tải quá lâu hoặc không hiển thị đúng trên thiết bị di động, quảng cáo của bạn sẽ bị giảm điểm chất lượng và hạn chế phân phối.

3. Giải pháp khắc phục tình trạng quảng cáo Facebook không cắn tiền

3.1. Kiểm tra và xử lý tài khoản quảng cáo

  • Đảm bảo tài khoản được xác minh đầy đủ và không vi phạm chính sách:

+ Hoàn tất quy trình xác minh danh tính, doanh nghiệp, và phương thức thanh toán. Điều này giúp tài khoản hoạt động ổn định và giảm nguy cơ bị hạn chế.

+ Tuân thủ chính sách quảng cáo của nền tảng, tránh sử dụng từ ngữ nhạy cảm hoặc quảng bá sản phẩm, dịch vụ bị cấm.

  • Trong trường hợp tài khoản bị xét duyệt ngẫu nhiên, bạn nên tắt tất cả quảng cáo có trên tài khoản này đi và đợi trong vòng 24 giờ sau. Sau khi tài khoản đã được xét duyệt, bạn có thể tiếp tục với bài viết quảng cáo trên tài khoản.

  • Thường xuyên kiểm tra thông báo và tình trạng tài khoản:

+ Theo dõi thông báo từ Trình quản lý quảng cáo để phát hiện sớm các vấn đề như trạng thái quảng cáo, hạn chế tài khoản, hoặc lỗi thanh toán.

+ Đặt lịch kiểm tra định kỳ để đảm bảo tài khoản không bị đình trệ hoặc khóa bất ngờ.

  • Bạn nên sử dụng tài khoản Facebook Business (chạy ít nhất 4 tháng) để hạn chế rơi vào trường hợp tài khoản bị đánh giá là thiếu độ uy tín.

  • Kiểm tra và đặt múi giờ theo vị trí địa lý của thị trường mục tiêu hoặc nơi bạn quản lý chiến dịch để tránh tình trạng quảng cáo đang hoạt động nhưng không cắn tiền.

Tại sao một số quảng cáo được phê duyệt rồi sau đó lại bị từ chối

3.2. Mở rộng và tối ưu hóa đối tượng mục tiêu

  • Tăng phạm vi đối tượng nhưng vẫn giữ liên quan:

+ Tránh nhắm mục tiêu quá hẹp, hãy mở rộng phạm vi nhưng vẫn đảm bảo đối tượng có sự liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của bạn.

+ Xác định các yếu tố hành vi, sở thích, và nhân khẩu học phù hợp để tạo nhóm đối tượng đa dạng hơn.

  • Sử dụng tính năng Lookalike Audience và phân tích dữ liệu khách hàng:

+ Tận dụng dữ liệu từ nhóm khách hàng hiện tại để tạo Lookalike Audience - những đối tượng có hành vi và đặc điểm tương tự.

+ Sử dụng công cụ phân tích của Facebook hoặc bên thứ ba để hiểu rõ hơn về khách hàng tiềm năng và điều chỉnh mục tiêu phù hợp.

  • Hạn chế bớt những quảng cáo trên cùng một nhóm đối tượng và thường xuyên thay đổi tệp đối tượng khách hàng hoặc chia nhỏ các nhóm đối tượng ra cho từng chiến dịch quảng cáo trên cùng một tài khoản.

3.3. Điều chỉnh ngân sách và giá thầu hợp lý

  • Bắt đầu với ngân sách tối thiểu và tăng dần dựa trên hiệu quả:

+ Nếu bạn mới khởi động chiến dịch, hãy bắt đầu với ngân sách nhỏ để thử nghiệm. Dựa trên kết quả, tăng dần ngân sách cho các nhóm quảng cáo hiệu quả.

+ Đặt ngân sách hàng ngày hoặc tổng chiến dịch phù hợp với mục tiêu và khả năng tài chính.

  • Kiểm tra giá thầu thủ công hoặc tự động để phù hợp với mục tiêu chiến dịch:

+ Sử dụng giá thầu thủ công nếu bạn muốn kiểm soát chi phí cho mỗi lượt hiển thị hoặc nhấp chuột.

+ Chọn giá thầu tự động để Facebook tối ưu hóa phân phối dựa trên mục tiêu của chiến dịch, chẳng hạn như tăng chuyển đổi hoặc tiếp cận.

3.4. Cải thiện nội dung quảng cáo

  • Đầu tư vào hình ảnh, video chất lượng cao và thông điệp hấp dẫn:

+ Hình ảnh và video phải rõ nét, thu hút, và truyền tải đúng thông điệp. Tránh sử dụng nội dung mờ, lỗi thời hoặc không liên quan đến sản phẩm.

+ Viết tiêu đề và nội dung mô tả ngắn gọn, nhấn mạnh lợi ích và giá trị mà khách hàng sẽ nhận được.

+ Thử nghiệm nhiều phiên bản quảng cáo với các yếu tố khác nhau (tiêu đề, hình ảnh, CTA).

+ Dựa vào kết quả của A/B testing để xác định nội dung thu hút nhất và áp dụng vào các chiến dịch tiếp theo.

3.5. Tối ưu hóa trang đích (Landing Page bán hàng)

  • Đảm bảo trang đích tương thích với quảng cáo:

+ Nội dung trên trang đích phải khớp với thông điệp trong quảng cáo, tạo trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Ví dụ: nếu quảng cáo nhắc đến khuyến mãi, trang đích phải hiển thị chi tiết về ưu đãi này.

+ Tránh sử dụng trang đích chung chung, không mang lại giá trị cụ thể hoặc quá nhiều thông tin không liên quan.

  • Sử dụng công cụ tối ưu hóa tốc độ tải trang và giao diện thân thiện với người dùng:

+ Kiểm tra và cải thiện tốc độ tải trang để tránh làm khách hàng mất kiên nhẫn.

+ Đảm bảo trang đích hiển thị tốt trên mọi thiết bị, đặc biệt là di động, vì phần lớn người dùng truy cập từ điện thoại.

+ Tích hợp nút CTA (Call-to-Action) rõ ràng và dễ thao tác để tăng tỷ lệ chuyển đổi.

4. Mẹo giúp chiến dịch quảng cáo Facebook “cắn tiền” nhanh hơn

Trong trường hợp phân tích và điều chỉnh 5 nguyên nhân phổ biến khiến quảng cáo fb không cắn tiền nhưng tình hình chiến dịch vẫn chưa mấy khả quan. Hãy thử những mẹo dưới đây để chiến dịch quảng cáo trở nên mượt mà hơn:

  • Tạo quảng cáo mới trong các chiến dịch cũ hoặc từ quảng cáo cũ: cùng với ngân sách đã đề ra ban đầu, bạn có thể tạo thêm quảng cáo mới cho chiến dịch này. Thường với cách làm này, quảng cáo sẽ “cắn tiền” một cách ổn định hơn.

  • Triển khai Seeding cho quảng cáo: Trong thời gian đầu, bạn nên seeding dạo đầu để giúp quảng cáo tăng tương tác, tăng độ uy tín và tạo điều kiện tốt để quảng cáo hiển thị tốt hơn, cắn tiền tốt hơn.

  • Đổi múi giờ và đơn vị tiền tệ: Thay vì chỉ chạy cố định ở một múi giờ với một đơn vị tiền tệ (ví dụ: vnd), bạn có thể thay đổi múi giờ hoạt động và đơn vị tiền tệ (thường Facebook sẽ thân thiện hơn với đơn vị USD, đồng nghĩa với múi giờ Mỹ) để giúp quảng cáo được đánh giá tốt và cắn tiền tốt hơn.

  • Nếu làm mọi cách nêu trên mà quảng cáo vẫn không chịu cắn tiền (đợi tối đa là 72 giờ) có lẽ chiến dịch này không thể tiếp tục được, bạn hãy tạo một chiến dịch quảng cáo mới và tiếp tục đo lường hiệu quả sau đó.

5. Kết luận

Quảng cáo Facebook không cắn tiền là một vấn đề gây khó chịu, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để bạn nhìn lại và tối ưu hóa chiến dịch một cách toàn diện hơn. Điều quan trọng là bạn cần kiên nhẫn kiểm tra, thử nghiệm, và điều chỉnh từng yếu tố. Đừng chần chừ thêm nữa! Hãy bắt đầu tối ưu chiến dịch quảng cáo của bạn ngay hôm nay để đạt được kết quả xứng đáng với những phân tích nguyên nhân nêu trên!

Đừng quên liên hệ LadiPage nếu bạn muốn triển khai xây dựng và ứng dụng những mẫu template Landing Page bán hàng chuẩn đẹp, đem lại hiệu quả chuyển đổi cao cho chiến dịch quảng cáo.